Tiểu sử Phan Tấn Cẩn

Ngài Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn sinh ra và lớn lên tại làng Đốc Sơ (nay thuộc phường An Hòa, thành phố Thừa Thiên - Huế). Sách Đại Nam liệt truyện chính biên do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn, chép khá vắn tắt về cuộc đời của cụ:

“Phan Tiến Cẩn, người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, có tiếng là quan lại giỏi, lúc đầu vào Gia Định bổ làm Câu kê ty nội sứ ở Chính doanh. Năm Bính Thìn (1796), theo chức cũ sung làm Ứng hậu ở hậu điện, thăng làm Cai bạ coi quản việc Đồ gia, coi các thợ đúc đồ binh khí, rồi thăng Tham tri bộ Công kiêm lý Đồ gia. Có tội phải thiên xuống làm Cai bạ nhưng vẫn kiêm lý Đồ gia. Năm thứ 12 (1813), được khởi phục làm Tham tri bộ Công, vẫn kiêm coi việc Đồ gia như cũ. Mùa đông năm thứ 14 (1815), vì ốm nên xin về hưu, được vào chầu hầu, rồi chết. Con là Tiến Kế”.


Cụ Cẩn Tín hầu sinh vào ngày 15 tháng 07 âm lịch năm Nhâm Thân, tức ngày 23 tháng 8 năm 1752, vào thời kỳ chấp chính của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) ở Đàng Trong. Theo gia phả của họ Phan hiện đang lưu giữ tại nhà thờ Nhánh của dòng họ Phan Tấn và những dòng chữ khắc trên bia mộ thì ngài có tên húy là Hoát (豁), tên chữ là Cẩn (謹). Tuy nhiên, sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện chính biên lại chép tên cụ là Phan Tiến Cẩn (潘 進 謹)[2]. Thân sinh của cụ là ông Phan Tấn Bửu (1709 - 1757) và bà Nguyễn Thị Thích, là cháu nội của ông Phan Tấn Sĩ, trưởng nhánh 4 (nhánh út) dòng họ Phan Tấn làng Đốc Sơ. Như vậy, thì ông thuộc đời thứ 3.

Lúc lên sáu tuổi thì thân phụ mất, mẹ lưu lạc, ông phải theo mẹ kế là bà Nguyễn Thị Trấp về ở với ông Cai đội Lương Văn Miên và theo “học nghề rèn, rồi học chữ cho đến năm 15 tuổi”[3]. Đến năm Tân Mão 1771, ông Lương Văn Miên cưới vợ cho ngài là bà Mai Thị Thục, trưởng nữ của ông Mai Đức Đàm, quê ở Vạn Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên.

Năm Mậu Thân (1788), ông vâng lệnh chúa Nguyễn Ánh chế tạo binh khí và sắm sửa quân nhu. Đến năm 1792, ông được thăng chức Chánh dinh nội lệnh ty câu kê, tước là Cẩn Tín bá. Cũng thời điểm này, ông được đặc trách cùng một số vị quan lại khác nhận trách nhiệm thu thuế, thu mua lúa gạo, cau và một số vật phẩm khác để phục vụ cho quân đội. Đến năm Bính Thìn (1796), sung chức Ứng hậu ở hậu điện, cùng năm đó, ông vâng lệnh chúa Nguyễn Ánh ra đảo Phú Quốc nghinh rước bà Hiếu Khang hoàng hậu cùng với bà Mai Thị Thục. Với tài năng, đức độ của mình, ông được quân sĩ hết lòng cảm phục, thương yêu và quý trọng. Do đạt được nhiều thành tích, năm 1799, ngài được thăng Chánh dinh Cai bạ, thuộc Nội cai đội quản Đồ gia, tham gia vào việc đúc binh khí, súng đạn kiêm quản lý chế tạo tàu thuyền, quân nhu. Sau ngày vua Gia Long đánh bại vương triều Tây Sơn, thống nhất hải vũ, định đô ở Phú Xuân (Huế), thì ông cùng với gia quyến trở về cố hương sau bao năm dài xa cách, và đến năm 1801, “ông được thăng Chánh dinh cai bạc thập”[4].

Năm Quý Hợi (1803), ông được thăng Tham tri bộ Công kiêm lý Đồ gia, cùng thời điểm này ông được giao trọng trách cùng với Nguyễn Văn Khiêm, Hoàng Văn Cẩn, Cái Văn Hiếu đúc bộ Cửu vị thần công.

Liên quan